Cá Hồ Tây chết liên tục, con số đã lên đến 200 tấn

Tại cuộc họp chiều 4/10, hiện tượng cá hồ Tây chết hàng loạt được người phát ngôn Chính phủ đánh giá là chưa từng xảy ra. Thống kê ban đầu, cá chết trên diện tích hơn 500 ha, tại 24 cửa xả xuống Hồ Tây. Đến nay khoảng 200 tấn cá chết đã được thu gom, xử lý.


Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu TP Hà Nội tập trung xử lý vụ việc, nhất là ô nhiễm, phòng ngừa dịch bệnh. Lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ đạo TP Hà Nội nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm, đồng thời khẩn trương làm rõ nguyên nhân, sớm thông tin cho nhân dân.

Con số đã lên tới 200 tấn cá chết tại Hồ Tây
Số cá chết được phun thuốc khử trùng tại chỗ rồi đóng bao và mang đi tiêu hủy tại bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.
Sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học công nghệ, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam cùng phối hợp điều tra nguyên nhân cá chết.

"Nguyên nhân do nguồn xả thải hay nguồn nước bị ô nhiễm sẽ được các cơ quan chức năng, các nhà khoa học làm rõ. Ngay cả ý kiến cho rằng, cá chết do thiếu ôxy cũng cần làm rõ vì sao như vậy", ông Dũng nói.

Hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ Tây xuất hiện từ ngày 1/10 và diễn ra trên diện rộng từ ngày 2/10. Hà Nội đã huy động 1.000 người thu gom cá chết, đưa tới khu xử lý rác thải Nam Sơn tiêu hủy.

Theo quan sát của VnExpress chiều 4/10, số lượng cá chết dạt vào ven hồ đã giảm. Tuy vậy mùi hôi tanh do xác cá phân hủy những ngày qua vẫn khiến các hàng quán kinh doanh ven hồ đóng cửa, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.

Thời điểm cá chết trên diện rộng, chỉ số oxy tầng nước mặt = 0, lượng Amoni tăng gấp 24 lần so với quy định.

Trước mắt, thành phố áp dụng biện pháp tăng ôxy cho hồ bằng hàng chục máy bơm sục khí, tạo ôxy và các chế phẩm cải tạo môi trường nước.


Hồ Tây (quận Tây Hồ) là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất nằm ở phía Tây Bắc trung tâm TP Hà Nội. Hồ có diện tích hơn 500 ha với chu vi hơn 17 km, là một phần của sông Hồng cũ sau khi chuyển dòng. Năm 2010, Ban Quản lý Hồ Tây được thành lập, có nhiệm vụ giúp UBND quận Tây Hồ quản lý an ninh trật tự, hoạt động kinh doanh dịch vụ, văn hóa, vui chơi giải trí, nuôi trồng và khai thác thủy sản. Khu vực liền kề quanh hồ Tây đang được quy hoạch để trở thành trung tâm mới của thủ đô.

Copyright © 2013 THỊ TRƯỜNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT All Right Reserved.